Một số biện pháp giúp học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Cẩm Vân học tốt các bài liên kết câu trong phân môn Luyện từ và câu

Đăng lúc: 08:21:59 28/12/2017 (GMT+7)

Phân môn Luyện từ và câu ở Tiểu học là phân môn nhằm huy động vốn từ, mở rộng vốn từ làm cho học sinh hiểu nghĩa từ và tác dụng của chúng trong câu, tạo lập câu,…Có sử dụng từ chính xác, viết câu đúng ngữ pháp thì người đọc, người nghe mới hiểu được nội dung văn bản. Muốn viết câu trong văn bản đúng và hay ngoài việc dùng từ chính xác chúng ta cần phải biết liên kết từ, liên kết câu, liên kết các ý lại với nhau. Đó chính là nhiệm vụ rất quan trọng và khó khăn của phân môn Luyện từ và câu nói chung và việc dạy Liên kết câu nói riêng.

 I.đ  A.                A. Đặt vấn đề
Câu văn là một bộ phận của đoạn văn. Trong một đoạn văn, các câu văn phải liên kết chặt chẽ với nhau cả về nội dung và hình thức. Về nội dung, các câu phải phục vụ chủ đề chung của đoạn văn; Về hình thức, ngoài sự liên kết về nội dung, giữa các câu trong đoạn phải được liên kết bằng những dấu hiệu hình thức nhất định.
Phân môn Luyện từ và câu ở Tiểu học là phân môn nhằm huy động vốn từ, mở rộng vốn từ làm cho học sinh hiểu nghĩa từ và tác dụng của chúng trong câu, tạo lập câu,…Có sử dụng từ chính xác, viết câu đúng ngữ pháp thì người đọc, người nghe mới hiểu được nội dung văn bản. Muốn viết câu trong văn bản đúng và hay ngoài việc dùng từ chính xác chúng ta cần phải biết liên kết từ, liên kết câu, liên kết các ý lại với nhau. Đó chính là  nhiệm vụ rất quan trọng và khó khăn của phân môn Luyện từ và câu nói chung và việc dạy Liên kết câu nói riêng.
Liên kết câu không phải là kỹ năng được rèn bắt đầu từ lớp 5 mà đã được tập nói, tập viết thành câu văn từ khi học lớp 2,3 trong giờ tiếng Việt, được làm đoạn văn, bài văn trong học tiếng Việt lớp 4 - 5. Tuy nhiên, phải tới lớp 5, học sinh mới được làm quen với các kiến thức về liên kết câu và được thực hành liên kết câu một cáchcó ý thức. Qua thực tế giảng dạy nhiều năm ở lớp 5 tôi nhận thấy để dạy học sinh biết cách liên kết câu là một kỹ năng  khó không phải học sinh nào cũng dễ dàng thực hiện thành thạo ngay được bởi vì với học sinh Tiểu học vốn từ của các em còn ít, khả năng hiểu nghĩa của từ còn hạn chế . Vì vậy, các em thiếu tính mạnh dạn, tính tự tin trong họ tập.
Để khắc phục tình trạng trên, nhiệm vụ đặt ra cho tôi là làm thế nào để học sinh xác định được cách liên kết câu và thực hiện được một cách thành thạo, có thể vận dụng vào việc viết câu văn đúng và hay, diễn đạt ý trôi trảy.? Tôi đã mạnh dạn tìm hiểu,nghiên cứu và rút ra được “Một số biện pháp  giúp học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Cẩm Vân học tốt các bài liên kết câu trong phân môn Luyện từ và câuđể góp một phần nhỏ vào việc thực hiện nâng cao hiệu quả giáo dục nói chung, nâng cao chất lượng dạy và học Luyện từ và câu ở Trường Tiểu học Cẩm Vân nói riêng.
B.  Tổ chức thực hiện dạy-học nội dung Liên kết câu ở lớp 5
1. Khi dạy bài “Liên kết các câu trong bài bằng cách lặp từ ngữ”.
Lặp từ ngữ được giới thiệu sớm nhất trong các kiểu liên kết câu (tuần 25). Đây là cách liên kết câu rất phổ biến, lại khá đơn giản, dễ thực hiện. Cùng với việc giới thiệu một kiểu liên kết, bài học về phép lặp cũng lần đầu tiên chính thức giới thiệu cho học sinh biết thế nào là liên kết câu. Vì lẽ đó , để có cơ sở cho học sinh học tốt bài học về phép lặp và các phép liên kết khác, ngay từ khi hướng dẫn học sinh làm bài tập ở phần Nhận xét, giáo viên cần giúp các em hiểu liên kết là gì một cách hết sức tự nhiên. Cụ thể là:
Trong bài học về phép lặp (SGK Tiếng Việt 5 tập hai, trang 71,72), bài tập 1 ở phần Nhận xét cho sẵn hai câu:
 
Học sinh cần thực hiện yêu cầu: Tìm ở câu sau từ nào lặp lại từ đã dùng ở câu trước. Việc tìm hiểu một kiểu liên kết được bắt đầu nhận diện từ phương tiện liên kết. Tuy nhiên, học sinh chỉ có thể thấy rõ vai trò liên kết câu của các từ ngữ lặp lại khi thử thay thế chúng bằng các từ khác. Bài tập 2 yêu cầu học sinh thay thế từ đền trong câu thứ hai bằng một trong các từ nhà,chùa, trường, lớp là nhằm dụng ý đó. Thử thay thế từ ngữ như yêu cầu của bài tập, học sinh sẽ thấy giữa các câu không còn sự gắn kết vì mỗi câu nói đến mốt sự vật khác nhau. Tới đây, các em hiểu rằng cách lặp từ ngữ ở trong bài tập 1 có tác dụng làm các câu gắn bó chặt chẽ với nhau, hay nói khác đi, làm cho các câu liên kết với nhau vì chúng nói đến cùng một sự vật. Như vậy với lời dẫn dắt của giáo viên, học sinh đã làm quen với khái niệm liên kết câu một cách tự nhiên.
Sau khi đã hiểu thế nào là liên kết câu trong bài bằng cách lặp từ ngữ, học sinh có thể vận dụng những hiểu biết ban đầu của mình vào các tình huống nói năng mới. Ngoài các bài tập nhận diện từ ngữ lặp có tác dụng liên kết hay chọn từ ngữ thích hợp với mỗi ô trống để liên kết như trong SGK, tôi cho rằng, với những học sinh có khả năng học văn tốt hoặc có năng khiếu viết văn , thường thì các em hoàn thành bài tập trước các bạn. Vì vậy giáo viên có thể yêu cầu các em viết một số câu liên kết với nhau theo kiểu lặp và gạch dưới từ ngữ lặp có tác dụng liên kết. Tuy nhiên, giáo viên cần nhớ rằng lặp từ ngữ để liên kết câu cho đúng không khó, nhưng liên kết câu bằng cách lặp sao cho hay lại không hoàn toàn đơn giản. Khi gặp một đoạn văn có một từ ngữ lặp lại ở nhiều câu (và đặc biệt là khi chúng cùng giữ một chức năng ngữ pháp), người đọc dễ có ấn tượng về sự đơn điệu trong cách dạy và sự nghèo nàn về vốn từ ngữ. Để tránh ấn tượng ấy, khi liên kết câu theo kiểu lặp, người viết phải dùng đồng thời nhiều chuỗi từ ngữ lặp (có thể không cần lặp hoàn toàn) và hạn chế để từ ngữ ở câu sau có cùng một chức năng ngữ pháp với hình thức của từ tương ứng ở câu đứng trước; đôi khi cần phối hợp lặp với các kiểu liên kết câu khác.Chẳng hạn:
 
               Trong một sáng đào công sự, lưỡi xẻng của anh chiến sĩ xúc lên một mảnh đồ gốm có nét hoa văn màu nâu và xanh, hình đuôi rồng. Anh chiến sĩ quả quyết rằng những nét hoa văn này y như hoa văn trên hũ rượu thờ ở đình làng anh.  (Hà Đình Cẩn)
Điều này quá phức tạp với khả năng của học sinh. Do vậy, không nên yêu cầu các em viết quá nhiều câu có sử dụng từ ngữ lặp để liên kết, theo tôi chỉ viết 2-3 câu là vừa sức.
2.Khi dạy bài “Liên kết các câu trong bài bằng cách thay thế từ ngữ”.
Lặp từ ngữ. là  biện pháp liên kết câu hiệu quả, song không thể dùng riêng lẻ, bởi vì bên cạnh thế mạnh riêng, lặp cũng có một số nhược nhất định. Để có kỹ năng  liên kết câu một cách linh hoạt và hiệu quả, học sinh cần phải tập liên kết câu bằng các biện pháp khác.
Trong SGK Tiếng Việt 5, tập hai bài học về phép thế được bố trí ở tuần 25 và tuần 26. Cách giới thiệu thế  ngay sau lặp như vậy là hợp lí, vì  thế giống như lặp cũng liên kết câu theo hướng duy trì đối tượng. Sự khác biệt so với lặp là: ở thế , mặc dù các câu cùng nói đến một đối tượng, nhưng đối tượng này được gọi bằng các tên khác nhau, do vậy, để tránh sự trùng lặp, ít gây cảm giác về một đoạn lời tẻ nhạt, đơn điệu. Đây chính là ưu điểm nổi bật của thế.
Trong bài học về phép thế ở tuần 25 (SGK Tiếng Việt 5, tập hai, trang 76,77), học sinh làm quen với thế bắt đầu từ việc nhận diện từ ngữ thay thế, tìm ra một cách tự nhiên mối quan hệ cũng như sự khác biệt giữa thếlặp. Ngoài ra, các em còn được tập chuyển đổi kiểu liên kết từ lặp thành thế.Với dạng bài tập này, không nhất thiết phải thay thế tất cả các từ ngữ lặp bằng từ khác, vì như vậy là khó so với khả năng của học sinh trong bài đầu làm quen. Vả lại, lặp cũng là một cách liên kết rất hiệu quả. Như vậy, với những đoạn văn có nhiều từ ngữ lặp, khi chuyển từ lặp thành thế , học sinh có thể đưa ra nhiều lời giải khác nhau. Ví dụ, bài Luyện từ và câu tuần 25, mục Luyện tập, bài tập 2, trang 77 SGK Tiếng Việt 5, tập hai.:
Hãy thay thế những từ ngữ lặp lại trong mỗi câu của đoạn văn sau bằng những từ ngữ có giá trị tương đương để đảm bảo liên kết mà không lặp từ:
(1)Vợ An Tiêm lo sợ vô cùng.
(2) Vợ An Tiêm bảo An Tiêm :
(3) - Thế này thì vợ chồng mình chết mất thôi.
(4) An Tiêm lựa lời an ủi vợ :
(5) Còn hai bàn tay, vợ chồng chúng mình còn sống được.
Với đoạn văn cụ thể này, ta có thể tìm thấy rất nhiều từ ngữ được lặp lại (đã được đánh dấu ở trên), chúng là phương tiện liên kết câu theo kiểu lặp. Nếu yêu cầu học sinh lớp 5 thay thế tất cả các từ ngữ đó bằng những từ ngữ khác thì quá khó với các em, và cũng không cần thiết, bởi sự phối hợp nhiều kiểu liên kêt khác nhau chính là một cách thể hiện sinh động mối quan hệ giữa các câu. Thực tế, với bài tập này, học sinh có thể đưa ra nhiều đáp án đúng khác nhau. Ví dụ có thể chọn chấp nhận các biến thể của câu 2, 4,5 như dưới đây:
(2’) Nàng bảo chồng:
(2’’) Nàng bảo An Tiêm:
(2’’’)Nàng bảo chàng:
(4’)Chàng lựa lời an ủi vợ :
(4’’) An Tiêm lựa lời an ủi nàng:
(4’’’) Chàng lựa lời an ủi nàng :
(5’) Còn hai bàn tay, chúng mình còn sống được.
(5’’) Còn hai bàn tay, mình còn sống được.
(5’’) Còn hai bàn tay, ta còn sống được.
Giáo viên có thể căn cứ  vào tình hình thực tế mà phân tích hiệu quả liên kết câu trong mỗi trường hợp. Nếu học sinh thay thế được nhiều từ ngữ, cần khen ngợi, đánh giá cao sự tích cực suy nghĩ và kết quả làm việc của các em. Với những bài làm chỉ thay thế một số từ ngữ (như gợi ý trong SGIÁO VIÊN), có thể phân tích để học sinh thấy đó chính là phối hợp lặp với thế để liên kết câu, cũng là cách liên kết câu thường thấy trong thực tế.
Khi học sinh đã quen với việc chuyển lặp thành thế, có thể yêu cầu các em thực hiện những bài tập viết đoạn văn ngắn (tuần 26), trong đó có sử dụng phép thay thế từ ngữ để liên kết câu. Với dạng bài tập này, học sinh phải chủ động  tạo lời nói liên kết. Đây chính là bước cao nhất của việc sản sinh lời nói. Nhìn chung học sinh không xa lạ với thao tác này, nhưng đôi khi vẫn sử dụng từ thay thế không chính xác, ví dụ có em viết:
-Có không biết bao nhiêu là bướm trắng từ từ rủ nhau đến chơi ở vườn cải. Nó hợp thành từng đàn, bay rập rờn trên cánh hoa. (Thay cho từ ngữ có nội dung số nhiều bao nhiêu là bướm trắng bằng từ chỉ số ít )
Hoặc:
-Nhà em có một con mèo tam thể rất xinh xắn. Bộ lông có ba màu vàng, trắng, đen (…) Em rất yêu chú. (Thay thế một từ ngữ bằng hai đại từ không thực sự tương hợp nhau trong ngữ cảnh cụ thể)
Những điều nêu trên cho, cần chú ý hướng dẫn học sinh lựa chọn từ ngữ thay thế phù hợp trong từng tình huống cụ thể. Thậm chí, có thể hướng dẫn các em phát hiện và chữa lỗi dùng sai từ ngữ thay thế,
 3.Khi dạy bài “Liên kết các câu trong bài bằng từ ngữ nối”.
Không chỉ có vai trò liên kết các bộ phận trong câu, quan hệ từ và các từ ngữ có tác dụng kết nối còn được dùng để liên kết câu. Học sinh sẽ nhận biết điều đó khi học bài Liên kết các câu trong bài bằng từ ngữ nối (SGK Tiếng Việt 5, tập hai, trang 97,98).
Khi học bài này, các em làm quen với kiểu liên kết câu bằng quan hệ từ và các từ ngữ nối- một kiểu liên kết khá thuận lợi cho việc mở rộng đối tượng phản ánh của bài văn, đoạn văn.
Để học sinh có hiểu biết ban đầu về phép nối, giáo viên cần gợi ý giúp em nhận ra phương tiện liên kết. Tuy nhiên, do quan hệ từ và từ ngữ nối vừa có tác dụng liên kết bộ phận câu, vừa có tác dụng liên kết câu nên giáo viên cần hướng dẫn các em phân tích và nhận rõ khi nào các từ ngữ này được dùng vào việc nối kết câu với câu.
Không dừng lại ở việc nhận diện phương tiện, khi học về phép nối, học sinh còn cần dùng những kiến thức sơ giản đã có vào việc thực hành liên kết câu hoặc phát hiện và sửa lỗi sử dụng từ ngữ nối. Muốn vậy, giáo viên phải giúp các em tìm hiểu nội dung của từ ngữ nối. Ví dụ, nhưng chỉ quan hệ đối lập, thế thì chỉ quan hệ kéo theo có tính hệ quả, rồi chỉ quan hệ nối tiếp…Do vậy, dùng từ nhưng như trong chuyện vui sau đây là không đúng, phải thay bằng (nếu) thế thì, hoặc (nếu) vậy (thì):
-Bố ơi, bố có thể viết trong bóng tối được không?
-Bố viết được
-Nhưng bố hãy tắt đèn đi và ký vào sổ liên lạc cho con.
Mỗi kiểu liên kết câu có ưu thế riêng, và cũng có thể có hạn chế riêng. Phép nối làm cho các câu liên kết chặt chẽ với nhau, nhưng có thể gây ấn tượng về một cách hành văn nặng nề. Ví dụ với các câu văn dưới đây, nếu gạch bỏ các từ ngữ nối, dễ dàng thấy lời văn nhẹ nhàng hơn:
(…) Tâm rút khẩu súng ra định bắn. Vì vậy, Mai giật mình khiếp hãi. Cũng vì vậy, cô bé bỗng thấy Tâm trở thành mối tai họa cho bầy chim(…)
Lưu ý học sinh về điều này không phải là quá khó, vì các em đã biết ít nhiều về tác dụng của quan hệ từ ngay từ tuần 13. Bằng ví dụ cụ thể, cần làm cho học sinh hiểu một cách tự nhiên rằng: Không nên lạm dụng bất cứ kiểu liên kết nào mà cần phối hợp nhiều kiểu liên kết để có hiệu quả biểu đạt tốt nhất.
4. Hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức về “liên kết câu” khi làm bài tập làm văn
 Việc hướng dẫn học sinh viết bài văn có nghĩa là hướng dẫn các em tạo lập văn bản. Nhiệm vụ chính của phân môn tập làm văn là rèn luyện cho học sinh kỹ năng tạo lập văn bản. Ở đây thuật ngữ “ văn bản” được dùng để chỉ sản phẩm hoàn chỉnh của lời nói trong một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Vì vậy để giúp cho học sinh tạo dựng một đoạn văn bản hoàn chỉnh ( về cả thể thức và nội dung biểu đạt)trong các tiết Tập làm văn giáo viên nên hướng dẫn học sinhvận dụng kiến thức về “liên kết câu” để viết.Khi hướng dẫn học sinh viết, giáo viên phải hướng dẫn các em biết dùng từ liên kết câu, dùng câu liên kết đoạn một cách hợp lí và sáng tạo đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ về ý nghĩa giữa các câu trong đoạn, giữa các đoạn trong bài để tạo một bài văn hoàn chỉnh tránh tình trạng lạm dụng các phép liên kết khi viết.  
Ví dụ: Khi viết bài văn “Tả người bạn thân”, có học sinh viết một đoạn như sau: Em và Hạnh chơi thân với nhau từ lớp Một đến giờ. Hai đứa bằng tuổi nhau nhưng Hạnh cao hơn em một cái đầu và tính tình lại chững chạc, điềm đạm như người lớn đấy. Hạnh không đẹp nhưng với khuôn mặt hiền lành dễ thương nên được rất nhiều bạn quý mến. Làn da ngăm ngăm màu bánh mật khỏe khoắn nhưng rất mịn màngHạnh tự hào vì đó là sở hữu một làn da giống bố. Khuôn mặt dễ nhìn, tô điểm cho khuôn mặt ấy là mái tóc đen huyền trông khá mượt mà, lúc nào cũng được Hạnh cột rất gọn gàng…
  Qua đoạn viết trên ta nhận thấy: Ở đây học sinh có sử dụng phép liên kết (lặp từ) để viết nhưng lại lạm dụng nó (dùng từ “Hạnh” lặp quá nhiều) dẫn đến đoạn văn mất đi cái hay của nó.Để khắc phục tình trạng trên, tôi hướng dẫn học sinh nên vận dụng phối kết hợp các phép liên kết câu để viết (có thể dùng đồng thời cả phép lặp và phép thế) thì đoạn văn sẽ hay hơn. Và học sinh đã sửa lại như sau:…. Em và Hạnh chơi thân với nhau từ lớp Một đến giờ. Hai đứa bằng tuổi nhau nhưng Hạnh cao hơn em một cái đầu và tính tình lại chững chạc, điềm đạm như người lớn đấy. Bạn ấy không đẹp nhưng với khuôn mặt hiền lành dễ thương nên được rất nhiều bạn quý mến. Làn da ngăm ngăm màu bánh mật khỏe khoắn nhưng rất mịn màng bạn tự hào vì đó là sở hữu một làn da giống bố. Khuôn mặt dễ nhìn, tô điểm cho khuôn mặt ấy là mái tóc đen huyền trông khá mượt mà, lúc nào cũng được bạn cột rất gọn gàng…
 Sau khi đã hướng dẫn học sinh nắm được cách viết, giáo viên cần định hướng cho học sinh cách viết có nhiều sáng tạo trên cơ sở vận dụng những kiến thức kĩ năng đã học, tránh cách viết khuôn mẫu, sáo mòn, thiếu những cảm nhận riêng của cá nhân, làm sao để mỗi bài tập làm văn của các em thực sự là những cảm nhận riêng của các em, là sản phẩm chính của các em.
C. Kết luận
Liên kết câu là một nội dung học tập rất mới trong phân môn Luyện từ và câu ở tiểu học. Tuy nhiên, các thao tác liên kết câu lại không xa lạ với học  sinh. Các em đã nhiều lần làm công việc này một cách tự nhiên khi viết vài câu văn, một đoạn văn , một bức thư…Mặc dù vậy, muốn phát triển lời nói cho hóc sinh, cần phải hình thành ở các em thói quen tập liên kết câu một cách  thực sự có ý thức. Do đó cần giúp các em nắm được một lượng thông tin sơ giản vừa đủ để việc thực hành liên kết câu một cách thuận lợi. Tất nhiên chỉ với 4 bài học, những kỹ năng càn có chưa thể hình thành một cách đầy đủ ỏ ở họ sinh, nhưng điều quan trọng là tạo nên ở các em ý thức về liên  kết  câu. Còn muốn đạt kết quả mong muốn, học sinh cần luyện tập bền bỉ và lâu dài trong các giờ học Tiếng Việt và giờ học khác, cũng như trong giao tiếp hàng ngày. Muốn vậy, người giáo viên cần phải:
- Giúp học sinh hiểu rõ về Liên kết câu, chức năng quan trọng của Liên kết câu trong việc tạo lập văn bản, nắm chắc tác dụng của từng biện pháp liên kết để sử dụng phù hợp hoàn cảnh giao tiếp.
- Biết cách lựa chọn các phương pháp, hình thức dạy học, kỹ thuật dạy học phù hợp với nội dung bài, phù hợp với tâm lí và trình độ nhận thức của học sinh.
- Tổ chức các hoạt động học tập thực sự, các em trực tiềp bắt tay vào làm việc, nghiên cứu, tự mày mò tìm tòi phát hiện ra kiến thức thì các em mới thấy thú vị mới tạo được sự hưng phấn trong học tập và mới say sưa học tập hơn. Giáo viên chỉ gợi mở định hướng cho các em khi nào các em thật sự bí chứ tuyệt đối không được làm thay các em như rót kiến thức vào đầu các em bắt các em học thuộc một cách máy móc.
 Trên đây chỉ là một số biện pháp cơ bản được rút ra từ thực tiễn quá trình giảng dạy của cá nhân tôi ở Trường Tiểu học Cẩm Vân, chắc chắn rằng sẽ chưa đảm bảo được sự toàn diện và không tránh khỏi những thiếu sót. Bản thân tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến  và bổ sung thêm của các đồng nghiệp.



0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)