Một số biện pháp nâng cao hiệu quả nội dung dạy học lịch sử lớp 5 theo định hướng phát triển năng lực học sinh

Đăng lúc: 08:37:11 18/02/2019 (GMT+7)

Ở các trường phổ thông nói chung và bậc tiểu học nói riêng đang có bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của học sinh, nghĩa là từ chỗ quan tâm tới việc học sinh học được gì đến chỗ quan tâm tới việc học sinh vận dụng được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, giáo viên phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối “truyền thụ một chiều” sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất cho học sinh. Để làm được điều đó, giáo viên cần tổ chức dạy học linh hoạt để học sinh vừa được trang bị đủ kiến thức kỹ năng cơ bản, đồng thời vừa hình thành và phát triển năng lực hợp tác, năng lực tự học giải quyết vấn đề. Cách làm này có thể được coi là dạy học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh.

 Việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở các trường tiểu học nói chung và Trường Tiểu học Cẩm Vân nói riêng hiện nay hết sức được quan tâm từ việc chỉ đạo của nhà trường đến đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên.Tuy nhiên qua tìm hiểu , dự giờ và trao đổi với đồng nghiệp, tôi nhận thấy số giáo viên thường xuyên chủ động, sáng tạo trong việc phối hợp các phương pháp dạy- học cũng như sử dụng các phương pháp dạy- học phát huy năng lực học sinh chưa nhiều. Dạy học vẫn nặng về truyền thụ kiến thức lí thuyết. Chưa tập trung cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy. Tình trạng "dạy chay", bắt học thuộc lòng một cách máy móc vẫn là tình trạng phổ biến.
Việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết các tình huống thực tiễn chưa thực sự được quan tâm. Nhiều giáo viên còn gặp khó khăn trong việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Ngoài ra, bên cạnh đó vẫn còn một số giáo viên chưa thực sự hiểu sâu về phương pháp dạy học và kiến thức còn lệ thuộc vào sách giáo khoa, tức là chưa  làm chủ được kiến thức dẫn đến giờ học khô khan nhàm chán và nặng nề. Tình trạng này đã làm mất đi tính hấp dẫn của môn lịch sử. Hơn nữa, do tư tưởng coi môn lịch sử là “môn phụ”, nên nhiều học sinh không thích học lịch sử, chưa thực sự chú ý, quan tâm nhiều đến môn này. Nhiều em còn “mơ hồ” về lịch sử dân tộc. Những sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc nhiều học sinh không biết và không hiểu. Các em còn thiếu các kỹ năng cơ bản của bộ môn và năng lực vận dụng liên hệ kiến thức lịch sử đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra là rất hạn chế.
Từ thực trạng việc dạy học sử nói trên thì việc tổ chức cho học sinh học tập theo định hướng phát triển năng lực là vô cùng cần thiết.Qua đó phát huy được sự chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, hình thành và phát triển các năng lực cho học sinh: tái hiện, thực hành bộ môn, nhận xét, vận dụng liên hệ kiến thức... Như vậy, các em không chỉ biết, hiểu sâu sắc kiến thức mà còn vận dụng tốt những điều đã học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
MỘT SỐ BIỆN PHÁP CỤ THỂ
 1. Giáo viên phải nắm vững  nội dung và mục tiêu dạy học của phân môn lịch sử lớp 5 để thiết kế các hoạt động dạy học phù hợp với năng lực chung của cả lớp và năng lực của từng học sinh.
Cũng như các môn học khác, khi dạy học phân môn lịch sử giáo viên phải nắm vững nội dung và mục tiêu môn học. Vì khi đã nắm vững nội dung và mục tiêu môn học, giáo viên sẽ dễ dàng thiết kế các hoạt động dạy học phù hợp giúp học sinh nắm kiến thức một cách vững chắc qua đó phát triển năng lực cho học sinh. Do đó, để dạy tốt phân môn lịch sử theo định hướng phát triển năng lực học việc đầu tiên tôi làm đó là nắm vững nội dung và mục tiêu môn lịch sử:
* Về nội dung bao gồm các chủ đề: một số sự kiện, hiện tượng , nhân vật lịch sử Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta năm 1858 đến nay:
- Hơn tám mươi năm chống thực dân Pháp xâm lược và đô hộ (1858 – 1945) gồm 11 bài (gồm cả bài ôn tập): Bình Tây Đại nguyên soái; Trương Định; Nguyễn Trường Tộ mong muốn canh tân đất nước; Cuộc phản công ở kinh thành Huế; Xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX; Phan Bội Châu và phong trào Đông du; Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước; Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; Xô viết Nghệ - Tĩnh; Cách mạng mùa thu; Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập và bài ôn tập.
- Bảo vệ chính quyền non trẻ, trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) gồm 7 bài :Vượt qua tình thế hiểm nghèo; “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước”; Thu – đông  1947; Việt Bắc “ mồ chôn giặc Pháp”; Chiến thắng Biên giới thu -  đông 1950; Hậu phương những năm sau chiến dich Biên giới; Chiến tháng lịch sử Điện Biên Phủ; Ôn tập.
- Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước (1954 – 1975) gồm 8 bài : Nước nhà bị chia cắt; Bến Tre đồng khởi; Nhà máy hiện đại đầu tiên của nước ta; Đường Trường Sơn; Sấm sét đêm giao thừa; Chiến thắng “ Điện Biên Phủ trên không”; Lễ kí Hiệp định Pa-ri; Tiến vào Dinh Độc Lập.
- Giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước (Từ năm 1975 đến nay) gồm 3 bài: Hoàn thành thống nhất đất nước; dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình; Ôn tập.
*Về mục tiêu của phân môn lịch sử:
2. Trong dạy học Lịch sử tập trung những giá trị cốt lõi, tăng cường cho học sinh vận dụng kiến thức vững vàng vào giải quyết vấn đề
Dạy và học theo định hướng phát triển năng lực học sinh đòi hỏi người giáo viên, trong quá trình dạy học phải phát huy tốt vai trò của người tổ chức, phân công và hướng dẫn, điều khiển quá trình nhận thức, biết cách khuyến khích, cổ vũ học sinh tham gia vào hoạt động nhận thức tích cực trong dạy học, Chú trọng hoạt động trải nghiệm sáng tạo nghiên cứu khoa học của học sinh, tăng cường cho học sinh vận dụng kiến thức đã học một cách vững vàng để từ đó các em biết vận dụng vào giải quyết vấn đề các vấn đề thực tiễn. ..
Ví dụ: Khi học Bài 14. Thu –Đông 1947, Việt Bắc “Mồ chôn giặc Pháp”; Bài 15: “Chiến thắng Biên giới Thu – Đông 1950”; Bài 17.”Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, tùy điều kiện cụ thể của nhà trường và địa phương, cần tổ chức các hoạt động  phát triển năng lực cho học sinh. Chẳng hạn, giáo viên có thể tổ chức để học sinh thi tìm hiểu, thu thập thông tin từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau (tư liệu viết, phim, ảnh, nhân chứng lịch sử hoặc tại bảo tàng, thực địa..) về chiến dịch Việt Bắc, Biên giới, Điện Biên Phủ. Qua đó rèn cho học sinh kĩ năng làm việc với tư liệu lịch sử, thu thập thông tin, hình thành kiến thức từ nhiều nguồn sử liệu một cách chủ động sáng tạo…. 
3. Xác định năng lực cần rèn cho học sinh qua từng bài học cụ thể
Có rất nhiều năng lực chung và năng lực chuyên biệt của môn Lịch sử, ở sáng kiến này tôi chỉ đi sâu tìm hiểu một số năng lực chuyên biệt cần được hình thành và phát triển cho học sinh:
3.1 Năng lực tái hiện sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử: Là khả năng củahọc sinh tái hiện lại các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng đến lịch sử thế giới và dân tộc.
Năng lực tái hiện sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử của học sinh được thể hiện dưới hình thức ngôn ngữ nói và viết. Để hình thành được năng lực này cho học sinh, giáo viên cần hướng dẫn học sinh nắm vững các sự kiện, hiện tượng hay nhân vật lịch sử; khi trình bày ngôn ngữ phải trong sáng, gãy gọn, dùng từ chính xác và bằng ngôn ngữ của mình; có thể kết hợp với sử dụng đồ dùng trực quan, tài liệu tham khảo.
Qua thực tế giảng dạy tôi nhận thấy, việc giúp học sinh hình thành năng lực tái hiện sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử không phải là dễ vì nội dung lịch sử quá nhiều, trước khối lượng kiến thức quá lớn từ năm, tháng, địa danh, nhân vật, diễn biến, kết quả, ý nghĩa…, học sinh khó có thể nhớ nổi và học thuộc các kiến thức đó, nhiều học sinh rất lúng túng trong việc trình bày các sự kiện, hiện tượng lịch sử. Do đó giáo viên phải hướng dẫn cụ thể cho các em ghi nhớ thời gian xảy ra sự kiện lịch sử: Mỗi bài, mỗi chương, mỗi quá trình đều có những sự kiện gắn liền với thời gian nhất định; cần dạy cho các em kỹ năng ghi nhớ lôgic biết tìm ra điểm tựa để nhớ, lập dàn ý, lập bảng hệ thống hóa. Ghi nhớ nhân vật lịch sử: Thông thường mỗi sự kiện đều gắn liền với những nhân vật nhất định. Giáo viên cần cân nhắc trong các sự kiện lịch sử, có những nhân vật lịch sử quan trọng nào, cần làm nổi bật những nhân vật nào? Nhằm đạt yêu cầu giáo dục nào? Và luôn động viên các em tự tin, bình tĩnh trình bày vấn đề một cách rõ ràng, mạch lạc.Với cách làm như vậy dần sẽ hình hình thành cho các em năng lực tái hiện sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử một cách tốt nhất.
3.2. Năng lực thực hành môn lịch sử:  Năng lực này được thể hiện ở chỗ học sinh biết quan sát, đọc, khai thác nội dung lịch sử thông qua bản đồ, lược đồ, tranh ảnh... Các em còn biết lập niên biểu các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, các chiến dịch, các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thành tựu về kinh tế, văn hóa...Để giúp học sinh phát triển tốt năng lực thực hành môn lịch sử, trong quá trình giảng dạy tôi tập trung hình thành cho các em các năng lực cơ bản sau đây:
* Hình thành cho học sinh năng lực quan sát, đọc và trình bày diễn biến trên bản đồ, lược đồ và biết khai thác nội dung cần thiết thông qua bản đồ, lược đồ:
Có thể khăng định rằng bản đồ, lược đồ và tranh ảnh là một kênh thông tin cần thiết, trực quan để cung cấp kiến thức cho học sinh, là nguồn tư liệu lịch sử quan trọng, một bộ phận cấu thành của bài học lịch sửgiúp các em dễ nhận biết và nhớ lâu kiến thức lịch sử. Do đó, trong quá trình dạy học người giáo viên cần quan tâm đến kỹ năng chỉ bản đồ, lược đồ và trình bày diễn biến trên lược đồ của học sinh. Để giúp học sinh thực hiện tốt kỹ năng này người giáo viên cần phải:
-Hướng dẫn cho học sinh biết tên của bản đồ, lược đồ.
-Hướng dẫn học sinh đọc bảng chú giải để hiểu rõ nội dung các kí hiệu thể hiện trên bản đồ, lược đồ.
-Hướng dẫn học sinh khai thác nội dung các sự kiện lịch sử, kiến thức lịch sử được diễn đạt bằng ngôn ngữ bản đồ, từ đó rút ra những kết luận cần thiết.
 Giáo viên cần lưu ý học sinh khi lên trình bày cần đứng ở bên phải bản đồ, lược đồ, tay phải dùng que chỉ các địa điểm cho thật chính xác. Đối với việc trình bày diễn biến một trận đánh trên bản đồ hay lược đồ, giáo viên cần hướng dẫn học sinh kết hợp với phần kênh chữ trong sách giáo khoa để tường thuật được đầy đủ.
3.3. Năng lực nhận xét, đánh giá rút ra bài học lịch sử từ những sự kiện, hiện tượng, vấn đề, nhân vật lịch sử.
 Năng lực này thể hiện ở chỗ học sinh biết nhận xét, đánh giá các vấn đề lịch sử: các phong trào yêu nước theo những khuynh hướng khác nhau, những hoạt động của các cá nhân tiêu biểu, các phong trào cách mạng, các hoạt động quân sự, chính trị, ngoại giao...Học sinh nhận thức được nguyên nhân và hệ quả của những sự vật, sự kiện, hiện tượng tiêu biểu, nổi bật trong xã hội, mối quan hệ biện chứng giữa chúng, từ đó rút ra những bài học cho hiện tại.
3.4. Năng lực vận dụng, liên hệ kiến thức lịch sử đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Năng lực vận dụng kiến thức của học sinh là khả năng của bản thân người học huy động, sử dụng những kiến thức, kĩ năng đã học trên lớp hoặc học qua trải nghiệm thực tế của cuộc sống để giải quyết những vấn đề đặt ra trong những tình huống đa dạng và phức tạp của đời sống một cách hiệu quả và có khả năng biến đổi nó. Năng lực vận dụng kiến thức thể hiện phẩm chất, nhân cách của con người trong quá trình hoạt động để thỏa mãn nhu cầu chiếm lĩnh tri thức.
4. Quan tâm các vấn đề thực tiễn, phát triển năng lực hoc sinh
Trước đây, nhà trường là nơi duy nhất để ta tiếp nhận kiến thức. Ngày nay, thế giới càng trở nên phẳng hơn nhờ sách vở, internet và các phương tiện truyền thông làm cho mọi người đều có thể tiếp cận thông tin, dữ liệu một cách bình đẳng, mọi lúc, mọi nơi.
5. Sử dụng các hình thức, phương pháp dạy học nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của hoc sinh
Phương pháp dạy học Lịch sử theo quan điểm phát triển năng lực không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh mà đặt trọng tâm rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống; đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn.
6. Tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm
Xuất phát từ quan điểm dạy học theo định hướng phát triển năng lực, hiện nay các trường đang thực hiện học tập dưới dạng hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đây được coi là chìa khóa thực hiện việc học đi đôi với hành, học qua làm, học giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống ngay trong lớp, trong trường.
7. Tăng cường sử dụng các kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển năng lực
Kỹ thuật dạy học là những biện pháp, cách thức hành động của của giáo viên và học sinh trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học. Các kỹ thuật dạy học là những đơn vị nhỏ nhất của phương pháp dạy học. Các kỹ thuật dạy học tích cực là những kỹ thuật dạy học có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát huy sự tham gia tích cực của học sinh vào quá trình dạy học, kích thích tư duy, sự sáng tạo và sự cộng tác làm việc của học sinh. Trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng việc vận dụng các kỹ thuật dạy học tích cực là vô cùng quan trọng. Do đó tùy thuộc vào nội dung từng bài học mà giáo viên lựa chọn các kỹ thuật dạy học sao cho phù hợp.
KẾT LUẬN
Từ việc nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lí luận dạy học theo định hướng phát triển năng nói chung và dạy học phân môn lịch sử theo định hướng phát triển năng lực nói riêng, tôi rút ra một số kết luận cơ bản sau:
1. Dạy học lịch sử lớp 5 theo định hướng phát triển năng lực học sinh là một việc làm vô cùng cần thiết, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời thực hiện có hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018”.
2. Để dạy học lịch sử lớp 5 theo định hướng phát triển năng lực học sinh, trước hết người giáo viên cần phải xác định rõ vị trí, mục tiêu, chuẩn kiến thức và kỹ năng, nội dung cơ bản và trọng tâm của từng bài dạy. Tổ chức dạy học đúng đặc trưng bộ môn, loại bài, phù hợp với tâm sinh lý của học sinh và thực tế của lớp mình phụ trách. Ngoài ra, giáo viên phải có kiến thức sâu rộng về phương pháp kết hợp vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với từng nội dung và kiểu bài lên lớp. Đặc biệt, trong dạy học lịch sử hiện nay cần phải phát huy được sự chủ động, sáng tạo của HS trong học tập làm giờ học sôi nổi. Giáo viên cần chú ý hình thành và phát triển các năng lực cho HS: tái hiện, thực hành bộ môn, nhận xét, vận dụng liên hệ kiến thức, tăng cường cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm... Như vậy, các em không chỉ biết, hiểu sâu sắc kiến thức mà còn vận dụng tốt những điều đã học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
3. Việc vận dụng khéo léo, linh hoạt, kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp và kỹ thuật dạy học của giáo viên đã góp phần hình thành và phát triển năng lực học sinh, thái độ học tập của các em cũng có sự thay đổi rõ rệt, tiết học trở lên sôi động bởi sự hăng say góp ý xây dựng bài, số lượng các em sẽ yêu thích, môn học nhiều hơn. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng của bộ môn lịch sử ở trường Tiểu học hiện nay

                                                                                                                        Nguyễn Thị Lan

TẢI VỀ TẠI ĐÂY: Lich su TH-Nguyen Thị Lan-TH Cam Van-Cam Thuy.doc
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Tháng này không có sinh nhật!